Công nghệ IP hiện đang giành được nhiều sự quan tâm trên thị trường, do nhu cầu giám sát chất lượng cao đang ngày một tăng lên.
Để lựa chọn một hệ thống giám sát IP phù hợp, các chuyên gia đã đưa ra 08 vấn đề cần chú ý dưới đây:
Yếu tố hình thức (màu sắc, hình dáng, kích thước…)
Bạn cần giám sát trong nhà hay ngoài trời?
Bạn cần hình ảnh chi tiết ở mức nào?
Bạn cần bao nhiêu camera để quan sát?
Hệ thống có hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu hay không?
Bạn có đủ băng thông mạng cho hệ thống giám sát?
Lựa chọn nguồn điện cho camera IP
Camera IP bạn lựa chọn có tương thích với các thiết bị IP khác?
Camera trong nhà hay ngoài trời?
Nếu muốn quan sát ngoài trời, bạn cần một camera IP có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết. Nếu lắp đặt hệ thống giám sát tại khu vực có tỷ lệ tội phạm cao, dễ bị phá hoại, bạn cần camera có khả năng chống va đập. Hãy xem lại các thông số của các sản phẩm để lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu giám sát.
Bạn cần yếu tố hình thức như thế nào?
Mỗi yếu tố hình thức và thiết kế cũng ít nhiều hỗ trợ cho quá trình giám sát của camera.
Camera dome (bán cầu) thường được lắp áp trần, tại các vị trí kín đáo
Camera mini-dome (bán cầu loại nhỏ) có khả năng ngụy trang
Camera pan/tilt/zoom (PTZ) với ống kính thu phóng quang học hiệu quả, khả năng xoay 360o và trường quan sát rộng
Camera cube (chữ nhật) không tốn nhiều không gian, dùng để quan sát trong nhà
Camera bullet (ống) có khả năng chống chịu thời tiết, quan sát ngày/đêm
Tóm lại, khi đã xác định được nhu cầu giám sát, bạn sẽ lựa chọn được sản phẩm với thiết kế phù hợp nhất cho nhu cầu của mình.
Bạn cần hình ảnh chi tiết ở mức nào?
Mức độ chi tiết của hình ảnh là một trong những yếu tố quan trọng khi chọn mua một hệ thống camera IP. Bạn muốn quan sát góc rộng, xem hình ảnh của phương tiện chuyển động ngang qua, nhìn rõ khuôn mặt hoặc biển số xe? Một camera có độ phân giải cao, ống kính thích hợp sẽ cho hình ảnh có độ chi tiết cao.
Độ phân giải
Độ phân giải hình ảnh của camera IP được đo bằng số lượng điểm ảnh (pixel) theo chiều ngang và chiều dọc. Một hình ảnh có độ chi tiết cao sẽ được cấu thành từ nhiều pixel và chứa nhiều dữ liệu hơn so với hình ảnh kém chi tiết.
Trường quan sát
Trường quan sát (FOV) là khu vực mà bạn có thể quan sát được một cảnh do camera ghi hình lại. FOV được xác định bởi 3 yếu tố: ống kính, bộ cảm biến trong camera và vị trí đặt camera quan sát. Với camera có trường quan sát lớn, đối tượng cần quan sát trên hình ảnh tương đối nhỏ hơn so với camera có trường quan sát nhỏ hơn.
Lựa chọn ống kính
Ống kính (lens) có ảnh hưởng đến độ phân giải, đồng thời xác định trường quan sát của camera. Ống kính camera có độ dài tiêu cự lớn hơn cho độ phóng đại lớn hơn, ống kính có tiêu cự ngắn hơn có độ phóng đại nhỏ nhưng trường quan sát rộng hơn.
Điều kiện ánh sáng yếu?
Để thu được hình ảnh có chất lượng tốt cả về ban đêm hoặc khu vực thiếu sáng, bạn cần lựa chọn dòng camera có khả năng hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu với tầm xa hồng ngoại phù hợp.
Quan sát ngày/đêm
Một camera có chức năng quan sát ngày/đêm sẽ cho hình ảnh rõ nét và chi tiết ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Camera tự động gỡ bỏ bộ lọc hồng ngoại trước cảm biến hình ảnh, ánh sáng hồng ngoại được phát ra để chiếu sáng cho vật thể, mang lại những hình ảnh rõ ràng hơn trong chế độ ảnh đen trắng.
Dải tần nhạy sáng rộng
Dải tần nhạy sáng rộng (WDR) cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xác định khả năng giám sát của một camera trong các môi trường ánh sáng khác nhau. WDR giúp cân bằng độ tương phản của vùng sáng và vùng tối. Tính năng này cho phép camera thu được hình ảnh rõ ràng với độ phơi sáng hoàn hảo trong điều kiện quá sáng, quá tối hoặc ngược sáng.
Vấn đề băng thông mạng
Hệ thống camera IP yêu cầu băng thông mạng để truyền tải – lưu trữ dữ liệu. Hệ thống bao gồm nhiều camera sẽ yêu cầu băng thông lớn hơn. Các camera có độ phân giải cao cũng yêu cầu nhiều băng thông hơn. Camera IP sử dụng kỹ thuật nén hình ảnh để làm giảm kích cỡ của tập tin, giúp tối ưu băng thông mạng và khả năng lưu trữ, đồng thời vẫn duy trì được chất lượng hình ảnh.
Số lượng camera
Phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể: doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, gia đình hay trường học…, bạn có thể ước tính được số lượng camera IP cần thiết.
Nguồn điện
Nhiều camera IP có tính năng cấp nguồn qua Ethernet (PoE), cho phép cấp điện tới camera IP thông qua cáp mạng. Nếu camera IP không có tính năng PoE, bạn cần sử dụng một dây nguồn riêng.
Khả năng tương thích của thiết bị
Nhiều nhà sản xuất camera IP hợp tác với nhiều công ty phần mềm để đảm bảo khả năng tương thích giữa sản phẩm của họ với các thiết bị khác. Nhiều sản phẩm camera IP được sản xuất theo chuẩn ONVIF và PSIA, cho phép camera IP tương thích với các thiết bị trên nền IP khác và nhiều loại thiết bị an ninh của các nhà sản xuất khác cũng tuân theo tiêu chuẩn này.
Do đó, bạn có thể lựa chọn thiết bị phù hợp thông qua danh sách phần mềm của các thiết bị tương thích. Tuy nhiên, bạn vẫn cần kiểm tra để đảm bảo khả năng hoạt động trơn tru và ổn định nhất cho hệ thống của bạn.